Lịch khám thai định kỳ đầy đủ chi tiết nhất
Để có 1 thai kỳ khỏe mạnh và sinh con thuận lợi, các mẹ bầu nên ghi nhớ và tuân thủ lịch khám thai mà bác sĩ tư vấn.
Trong thời gian mang thai, sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ bầu cần có thêm kiến thức, thông tin cần thiết, nắm được những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến em bé để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi.
Khám thai định kỳ giúp cho người mẹ cũng như bác sĩ biết được thai nhi có đang phát triển bình thường hay gặp dị tật đáng tiếc nào hay không, chế độ dinh dưỡng đã hợp lý chưa, cần bổ sung những khoáng chất gì.
Tùy vào thể trạng của mẹ, các bác sĩ sẽ tư vấn lịch khám thai khác nhau. Vỡi những mẹ khỏe mạnh, không phát hiện vấn đề bất thường, thì sẽ có lịch khám cơ bản như sau:
Lịch khám thai trong 3 tháng đầu
Khám thai trong 3 tháng đầu giúp bác sĩ chẩn đoán có thai hay không? Thai mấy. Đồng thời, cũng sẽ xác định được tuổi thai và có ngày dự sinh ước tính. Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ như tiểu đường, cao huyết áp… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ cách điều trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo. Bác sĩ phát hiện những bệnh lý phụ khoa như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung kèm theo… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ cách điều trị thích hợp.
Lịch khám lần khám đầu tiên
Được thực hiện khi thai phụ trễ kinh ít nhất 1 tuần.
- Có thể thực hiện các xét nghiệm máu (Beta) để xác định thai phụ mang thai;
- Siêu âm đầu dò để kiểm tra xem thai nhi đã vào tử cung hay chưa, loại trừ khả năng thai ngoài tử cung.
- Siêu âm qua bụng đôi khi không thể nhìn thấy nếu tuổi thai quá nhỏ, máy móc kém hiện đại hoặc kỹ thuật viên có kỹ năng kém.
Giai đoạn 8 – 12 tuần
- Khám thai là mỗi tháng 1 lần: bác sĩ đo cân nặng, huyết áp của thai phụ.
- 7 – 8 tuần: siêu âm xác định vị trí túi thai, kích thước, nhịp tim;
- Sau 10 tuần có thể thực hiện các xét nghiệm thường quy: Công thức máu, đường huyết lúc đói, cấy nước tiểu, nhóm máu (và mức độ kháng thể rh nếu âm tính), kháng thể rubella, VDRL, CMV, kháng thể, toxoplasma và HBsAG và nếu cần xét nghiệm HIV. Một số bác sĩ thêm nuôi cấy nước tiểu và xét nghiệm TSH hoặc hoạt động của tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã tiêm vắc-xin hoặc kiểm tra sức khỏe tổng thể tiền hôn nhân hoặc trước khi mang thai thì không cần thực hiện;
- 11-12 tuần: xét nghiệm chẩn đoán di truyền nhiễm sắc thể sớm, cấu trúc nhau thai;
- Tuần thứ 12 (tối đa là tuần thứ 14): siêu âm kiểm tra độ mờ da gáy; bác sĩ có thể tư vấn cho thai phụ thực hiện các xét nghiệm sàng lọc di truyền (double test).
Lịch khám thai 3 tháng giữa
Tuần thai từ 15 – 19 là thời điểm có thể chẩn đoán tương đối rõ ràng những dị tật, dị dạng thai nhi. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra lời tư vấn phù hợp. Đồng thời, khám thai giai đoạn này sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của mẹ, từ đó có chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho các bà mẹ. Rối loạn huyết áp cũng sẽ được quan sát vào tuần thứ 20 để dự phòng tiền sản giật về sau.
Giai đoạn 16 – 20 tuần
- Khám thai mỗi tháng 1 lần;
- Tuần 15-16: Đo cân nặng, huyết áp mẹ; siêu âm theo dõi sự phát triển bình thường và nhịp tim của bé;
- Tuần 18-20: Đo cân nặng, huyết áp mẹ; siêu âm theo dõi sự phát triển bình thường và kiểm tra sự hoàn thiện nội tạng của thai nhi;
- Có thể biết chắc chắn giới tính của em bé ở giai đoạn này
Giai đoạn 22 – 28 tuần
- Khám thai mỗi tháng 1 lần;
- Tuần 22-25: Đo cân nặng, huyết áp mẹ; siêu âm theo dõi sự phát triển bình thường, cử động và nhịp tim của bé;
- Tuần 26 – 28 tuần: Thai phụ xét nghiệm dung nạp glucose để sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. Huyết sắc tố có thể được kiểm tra lại. Xem xét các dấu hiệu cảnh báo sinh non hoặc huyết áp cao.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu và nồng độ tiểu cầu trong máu. Người mẹ cũng có thể kiểm tra lại bệnh giang mai, viêm gan B, viêm gan C và HIV;
- Nếu nhóm máu của người mẹ là Rh-, có thể tiêm thuốc immunoglobulin chống D;
- Xét nghiệm nước tiểu nếu người mẹ có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tăng huyết áp.
Mẹ có thể tiêm vacxin uốn ván nếu chưa tiêm đủ 5 mũi trước khi mang thai. Tiêm uốn ván khi mang thai nên tiêm sau 22 tuần và trước khi sinh ít nhất 30 ngày mới có hiệu quả.
Thai phụ được khuyến khích đăng ký các lớp học tiền sản và việc lập kế hoạch sinh con.
Lịch khám thai 3 tháng cuối
Ba tháng cuối là lúc các bà mẹ sắp sinh mà các tai biến sản khoa thường xảy ra khi sinh, trong chuyển dạ. Do đó, khám thai vào ba tháng cuối là để bác sĩ chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ…từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới dễ hay khó, có nguy cơ gì? Bác sĩ có thể phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh.
Lịch khám thai giai đoạn 28 – 36 tuần
- Sau 28 tuần, các lần khám thai tiếp tục cứ sau 2-3 tuần cho đến 36 tuần. Bác sĩ tiếp tục ghi lại sự phát triển của em bé, lắng nghe nhịp tim của em bé và sẽ kiểm tra vị trí của em bé.
- Nếu nhóm máu của người mẹ âm tính Rh, có thể tiêm thuốc immunoglobulin thứ hai;
- 36 tuần: bác sĩ kiểm tra vùng chậu và khuyến khích bạn làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục;
- Vị trí và kích thước của em bé được ước tính. Nếu em bé chưa quay đầu xuống, bác sĩ có thể khuyến khích các bài tập để giúp em bé quay đầu xuống (ngôi thuận).
Lịch khám thai giai đoạn từ 36 tuần đến khi sinh
- Từ 36 tuần trở đi, thai phụ kiểm tra mỗi tuần 1 lần để theo dõi huyết áp, trọng lượng của thai nhi, nước ối, nhau thai;
- Thai phụ lựa chọn địa chỉ và đăng ký sinh ngay từ thời điểm này;
- Thai phụ sinh thường chờ chuyển dạ và nhập viện sinh theo viện đã đăng ký hoặc bệnh viện gần nhất trong trường hợp cấp cứu;
- Thai phụ sinh mổ đợi chuyển dạ hoặc mổ chủ động tại địa chỉ đã đăng ký;
- Thai nhi từ tuần 40 cần theo dõi mỗi 2-4 ngày và có thể thực hiện mổ chủ động nếu mẹ không có dấu hiệu chuyển dạ hoặc bác sĩ phát hiện các nguy cơ.
Các yếu tố rủi ro cần tăng số lần khám trong lịch khám thai
Bác sĩ là người quyết định tần suất khám thai dựa trên sức khỏe cá nhân của người mẹ cũng như tình trạng phát triển của thai nhi. Nếu có bất cứ vấn đề sức khỏe nào của mẹ hoặc sự phát triển bất thường của thai nhi, bác sĩ có thể yêu cầu tăng số lần khám hoặc các xét nghiệm bổ sung để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và thận lợi.
Người mẹ có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này, bác sĩ có thể tăng số lần khám thai:
- Người mẹ tuổi từ 35 trở lên: Hầu hết phụ nữ ở độ tuổi 30 – 40 đều sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, tuy nhiên sau 35 tuổi, người mẹ có nguy cơ gia tăng sinh ra em bé có dị tật bẩm sinh và nguy cơ bị biến chứng khi mang thai.
- Người mẹ có vấn đề sức khỏe đã có từ trước như tiền sử bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, hen suyễn, lupus, thiếu máu hoặc béo phì,… bác sĩ có thể yêu cầu thăm khám thường xuyên hơn và yêu cầu thực hiện các chế độ sinh hoạt, ăn uống để không ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc sức khỏe của em bé. \
- Vấn đề bất thường trong thai kỳ: Một số vấn đề ở người mẹ khi mang thai như dọa sảy hay những vấn đề bất thường của thai nhi khiến người mẹ cần được thăm khám thường xuyên hơn, thực hiện các kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ cũng như khuyến khích chế độ chăm sóc đặc biệt.
- Nguy cơ sinh non: Nếu người mẹ có tiền sử sinh non hoặc dọa sảy, hoặc nếu bắt đầu có dấu hiệu sinh non, bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ hơn.
Thăm khám trước sinh để giúp mẹ được chăm sóc trước khi sinh thường xuyên và thoải mái về tâm lý. Mục tiêu cuối cùng đó là mang thai an toàn và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Chúc các mẹ có thai kỳ khỏe mạnh.