An tâm vượt qua thai kỳ cùng lịch khám thai đầy đủ tại PhenikaaMec

Mang thai là hành trình thiêng liêng và đầy cảm xúc, nhưng cũng là giai đoạn cần được quan tâm và chăm sóc sức khỏe một cách cẩn thận. Lịch khám thai định kỳ tại Bệnh viện PhenikaaMec sẽ đồng hành cùng mẹ bầu, giúp theo dõi sức khỏe thai nhi một cách toàn diện, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

1. Khám thai là gì?

Khám thai là quá trình theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn cho cả hai.

Vì sao mẹ bầu cần khám thai định kỳ?

Khám thai định kỳ là việc vô cùng quan trọng và cần thiết đối với tất cả các mẹ bầu trong suốt thai kỳ. Việc khám thai định kỳ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé, cụ thể như sau:

  • Đối với mẹ bầu:
  • Theo dõi sức khỏe: Khám thai định kỳ giúp theo dõi sức khỏe tổng thể của mẹ bầu, bao gồm huyết áp, cân nặng, nước tiểu, và kiểm tra các dấu hiệu bất thường khác. Nhờ vậy, có thể phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu thai kỳ,… để có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu.
  • Phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh: Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở thai nhi thông qua các xét nghiệm và siêu âm. Việc phát hiện sớm giúp cho mẹ bầu có sự chuẩn bị tinh thần và có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Tư vấn về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt: Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu về chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn mẹ bầu về cách sinh hoạt khoa học, luyện tập thể dục phù hợp để có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Giảm thiểu nguy cơ sinh non và thai chết lưu: Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ sinh non và thai chết lưu, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
  • Chuẩn bị cho việc sinh nở: Bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ bầu các thông tin về quá trình sinh nở, cách chăm sóc sức khỏe sau sinh, và hướng dẫn các bài tập tiền sản để giúp mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn.
  • Đối với thai nhi:
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi: Khám thai định kỳ giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi qua các mốc thời gian, đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
  • Phát hiện sớm các bất thường thai kỳ: Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường thai kỳ như thai nhi còi cọc, thai nhi phát triển chậm, thai nhi thừa nước,… để có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Tạo điều kiện cho thai nhi phát triển khỏe mạnh: Nhờ việc theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, mẹ bầu có thể được điều trị kịp thời, tạo điều kiện cho thai nhi phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.

2. Lịch khám thai đầy đủ dành cho các mẹ bầu

Vào mỗi tam cá nguyệt sẽ có những xét nghiệm tầm soát, sàng lọc quan trọng để phát hiện và can thiệp sớm những tình huống thai kỳ nguy cơ cao. Vì thế, các chuyên gia của PhenikaaMec khuyến cáo mẹ bầu thực hiện khám thai đầy đủ để có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ thai kỳ ở từng thời điểm.

Theo đó, các mốc khám thai quan trọng ở 3 tam cá nguyệt mà mẹ bầu cần ghi nhớ, bao gồm:

Tam cá nguyệt thứ nhất (từ tuần 1 đến tuần 13)

  • Lần khám thai đầu tiên (tuần 5-8):

Khám thai lần đầu là một cột mốc quan trọng trong thai kỳ, giúp xác định chính xác việc mang thai và theo dõi sức khỏe ban đầu của mẹ và bé. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu, đặc biệt là những người mang thai lần đầu, thường băn khoăn về thời điểm thích hợp để đi khám thai lần đầu.

Theo các chuyên gia sản khoa, thời điểm lý tưởng để khám thai lần đầu là vào tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 của thai kỳ.

Dấu hiệu nhận biết để biết mình cần đi khám thai:

  • Chậm kinh: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bạn có thể đã mang thai. Nếu bạn bị chậm kinh khoảng 2 tuần so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, hãy thử thai bằng que thử thai tại nhà.
  • Có hai vạch trên que thử thai: Que thử thai hiện đại có độ chính xác cao, do vậy kết quả 2 vạch báo hiệu khả năng mang thai rất lớn.
  • Xuất hiện các dấu hiệu mang thai khác: Buồn nôn, nôn, ốm nghén, nhức đầu, mệt mỏi, thay đổi sở thích ăn uống,… cũng có thể là dấu hiệu mang thai.

Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám thai và tư vấn cụ thể.

Tại lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về tiền sử bệnh lý, chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng thai nghén.
  • Thực hiện khám thai lâm sàng: kiểm tra tổng trạng sức khỏe, đo huyết áp, cân nặng, khám phụ khoa.
  • Yêu cầu xét nghiệm: xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra nhóm máu, Rh,…
  • Siêu âm: xác định vị trí thai nhi, kiểm tra kích thước buồng trứng, đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi.
  • Tư vấn: cung cấp thông tin về thai kỳ, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp, hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe thai nhi tại nhà.

  • Lần khám thai thứ hai:

Nếu lần khám thai đầu tiên thực hiện ngay sau khi mẹ vừa cấn bầu, bác sĩ siêu âm chưa thấy phôi làm tổ hoặc chưa thấy có sự hiện diện tim thai sẽ hẹn mẹ khám bầu lần nữa lúc thai được 8-10 tuần. Ở lần khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện hơn sức khỏe thai nhi như tim thai, phôi thai… Những xét nghiệm lúc này cơ bản giống lần khám đầu tiên nếu chưa thực hiện.

  • Lần khám thai thứ ba:

Lần khám thai thứ ba là một mốc quan trọng trong thai kỳ, diễn ra từ tuần 16 đến 22. Mục đích của lần khám này là để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu, đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi.

Tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần 14 đến tuần 27)

  • Lần khám thai thứ 4:

Vào tuần 14-16 của thai kỳ, các chuyên gia sẽ khuyến cáo mẹ bầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi bằng xét nghiệm máu (Double test hoặc Triple test) hoặc siêu âm thai nhi hình thái học, hay xét nghiệm NIPT (xét nghiệm gen không xâm lấn) nếu có chỉ định. Bên cạnh đó, mẹ bầu sẽ thực hiện đo chiều dài kênh cổ tử cung (đối với trường hợp mẹ có tiền sử sinh non hoặc thai kỳ có yếu tố nguy cơ cao).

  • Lần khám thai thứ năm:

Lần khám thai định kỳ thứ 5 diễn ra vào lúc 20-24 tuần để theo dõi sự phát triển của thai nhi và tầm soát các dị tật thai nhi một cách chính xác hơn. Những xét nghiệm quan trọng ở giai đoạn này là siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm những bất thường hình thái ở thai nhi; tầm soát dấu hiệu dọa sinh non bằng việc đo chiều dài kênh cổ tử cung. Trong trường hợp phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu khác để kiểm tra chính xác hơn.

Đây cũng là thời điểm mẹ bầu được khuyến cáo tiêm vắc xin uốn ván (VAT) mũi đầu tiên.

  • Lần khám thai thứ sáu:

Ở mốc 24-28 tuần mẹ sẽ được kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, theo dõi huyết áp và các kiểm tra cần thiết để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thông thường, ở lần khám này, chuyên gia sẽ khuyến cáo mẹ bầu thực hiện tầm soát nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, đây là thời điểm mẹ bầu tiếp tục tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (Boostrix) nếu thai được hơn 27 tuần. Trong trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B sẽ được làm xét nghiệm máu để quyết định có điều trị viêm gan B nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai hay không.

Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ)

  • Lần khám thai thứ bảy:

Ở tuần thứ 28-32, sau khi được đo cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tim thai… mẹ sẽ được làm siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện những bất thường thai nhi xuất hiện muộn ở tam cá nguyệt cuối.

  • Lần khám thai thứ tám:

Từ tuần 32-36 thai kỳ, mẹ nên đi khám thai 2 tuần một lần để kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Ơ thời điểm này, mẹ bầu sẽ đi khám thai mỗi 2 tuần 1 lần. Ở những trường hợp đặc biệt có thể làm thêm những xét nghiệm khác tùy theo từng trường hợp.

  • Lần khám thai thứ chín:

Lần khám thai thứ 9 sẽ diễn ra khi thai nhi được 36-40 tuần tuổi. Lúc này, mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe thai thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai, đồng thời đánh giá cổ tử cung, khung chậu của mẹ để tiên lượng khả năng sinh ngả âm đạo (sinh thường).

  • Lưu ý:
    • Từ thời điểm này, mẹ bầu nên đi khám thai mỗi tuần 1 lần.
    • Nếu có dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng, ra máu âm đạo, vỡ ối,…), mẹ bầu cần đi khám ngay lập tức.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên lưu ý một số dấu hiệu bất thường sau đây để đi khám thai ngay lập tức:

  • Ra máu âm đạo bất thường.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Tụt nước ổi.
  • Giảm cử động thai.
  • Sốt cao.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ nắm rõ lịch khám thai định kỳ để không bỏ lỡ các xét nghiệm tầm soát, sàng lọc dị tật thai nhi quan trọng. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào trong suốt thai kỳ, mẹ có thể liên hệ đến hotline Bệnh viện Đại học Phenikaa để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!