5 loại ung thư thường gặp ở nữ giới và dấu hiệu nhận biết

Môi trường ô nhiễm, sinh hoạt thiếu khoa học (thức khuya, rượu bia, thuốc lá, căng thẳng,..), thực phẩm bẩn,… là những nguyên nhân khiến cho số lượng mắc ung thư hàng năm ngày càng tăng. Bệnh ung thư nguy hại đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong, tốn kém thời gian, chi phí để chữa trị. Đặc biệt, có nhiều bệnh ung thư chỉ gặp ở phụ nữ, hoặc phụ nữ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.  Cùng PHENIKAAMEC tìm hiểu về 5 loại ung thư thường gặp ở nữ giới trong bài viết sau. 

Ung thư vú  

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, chiếm 99% số căn mắc. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống sót sẽ lên đến 90%. Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết thì tỷ lệ sống là 100%. Vì thế, phát hiện ung thư sớm là điều kiện quan trọng nhất để có thể điều trị bệnh.  

Các dấu hiệu nhận biết bạn có thể mắc ung thư vú như sau:  

  • Xuất hiện cục u không đau ở vú 
  • Núm vú chảy máu hoặc tiết dịch bất thường 
  • Da vùng vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo, sưng và dày lên 
  • Ngứa và phát ban dai dẳng quanh núm vú 
  • Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong 

Một số nguyên nhân chính của ung thư vú:  

  • Di truyền. Nếu trong gia đình có mẹ, bà hoặc chị em mắc bệnh này thì bạn cũng nên đi tầm soát thường xuyên.  
  • Sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú sữa mẹ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.  
  • Người có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, hay có tiền sử các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú.  
  • Môi trường sinh sống độc hại, ô nhiễm hay thói quen lười vận động, chế độ ăn nghèo vitamin, hút thuốc, bệnh lý béo phì,… cũng tạo điều kiện phát sinh ung thư vú.  

Ung thư cổ tử cung – loại ung thư thường gặp ở nữ giới

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Cổ tử cung được bao phủ bởi một lớp mô mỏng – lớp mô này được tạo thành từ các tế bào. Các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) nếu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể do thay đổi môi trường âm đạo hoặc do virus HPV sẽ tạo ra khối u trong cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung thường phát triển âm ỉ trong một thời gian dài, có thể lên đến vài năm. 

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung:  

  • Chảy máu bất thường ở âm đạo, ví dụ như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ.  
  • Đau vùng chậu, tiểu tiện bất thường và sưng chân.  
  • Nếu ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các hạch bạch huyết, các khối u có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động của các cơ quan đó, ví dụ khối u nằm đè lên bàng quang hoặc làm tắc tĩnh mạch. 

Vi – rút HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung. Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm HPV: 

  • Có nhiều bạn tình 
  • Bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người khác. 
  • Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) 
  • Tiền sử bị loạn sản cổ tử cung 
  • Gia đình có tiền sử bị ung thư cổ tử cung 
  • Hút thuốc 
  • Bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) 
  • Mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch 
  • Con sinh ra có nguy cơ bị nhiễm HPV nếu người mẹ đã sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES- thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai) trong khi mang thai. 

Ung thư tuyến giáp 

Sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp có thể làm xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. 

Hiện nay, ung thư tuyến giáp có 4 dạng: ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa. Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị nhất, tuy nhiên tỷ lệ mắc không cao. Ung thư nhú chiếm tỉ lệ cao nhất và tiên lượng tốt. 

Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này có thể lên tới 90%. Đây được cho là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Ở giai đoạn sớm u tuyến giáp thường không có triệu chứng, thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát. Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là: 

  • Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt. 
  • Khàn tiếng, khó thở. 
  • Nổi hạch cổ. 

Hiện tại, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như: 

  • Rối loạn hệ miễn dịch: chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp. 
  • Nhiễm phóng xạ: Cơ thể người có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, qua đường hô hấp gây ảnh hưởng đến tuyến giáp. 
  • Yếu tố di truyền: Thực tế cho thấy khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình có bố mẹ, hoặc người thân mắc bệnh. 
  • Yếu tố tuổi tác, thay đổi hoóc – môn: Ở độ tuổi 30- 50, ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là do yếu tố hoóc – môn ở phụ nữ kích thích quá trình hình thành bướu ở tuyến giáp, hạch tuyến giáp. Theo thời gian, các bướu này có thể phát triển thành ung thư. 
  • Mắc bệnh tuyến giáp: Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hoóc – môn tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. 
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống i ốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. 
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Thiếu i ốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì… 

Ung thư buồng trứng 

Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng khoảng 4,6/100.000 phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi tuy nhiên hay gặp nhất là phụ nữ trên 50.  

Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Và các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó. 

Các thể ung thư buồng trứng bao gồm: 

  • Ung thư biểu mô buồng trứng  
  • Ung thư tế bào mầm  
  • Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng 

Bệnh ung thư buồng trứng cũng giống như đa phần các bệnh ung thư khác đều không có các triệu chứng hay dấu hiệu sớm, mà phải đến giai đoạn muộn mới biểu hiện rõ ràng, Tuy nhiên có thể thấy các dấu hiệu sớm của bệnh bao gồm: 

  • Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới 
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón 
  • Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang 
  • Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ 
  • Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. 
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. 
  • Đau khi quan hệ tình dục. 

Bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh.. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng: 

  • Di truyền: Những người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trong gia đình có người mắc ung thư vú, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. 
  • Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 
  • Tuổi tác: Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, hầu hết xuất hiện ở độ tuổi trên 50 và tăng cao ở những người trên 60 tuổi. 
  • Mang thai và sinh con: Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn so với những người chưa từng sinh con. Sinh càng nhiều con thì nguy cơ càng thấp. 
  • Điều trị hormon thay thế: Điều trị hormon thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ. 
  • Bột talc: Phụ nữ sử dụng bột talc nhiều ở cơ quan sinh dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. 

Ung thư nội mạc tử cung  

Ung thư nội mạc tử cung là u biểu mô ác tính nguyên phát từ biểu mô nội mạc tử cung, thường biệt hóa dạng tuyến, nó có khả năng xâm nhập lớp cơ và lan đến những nơi xa. Ung thư nội mạc tử cung thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi (đặc biệt là phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh). 

Một số dấu hiệu nghi ngờ, cảnh báo bạn nên quan tâm và chú ý như sau: 

  • Xuất huyết âm đạo bất thường ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc rong kinh, rong huyết ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc còn kinh.  
  • Dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi, máu lẫn chất hoại tử có thể gặp khoảng 30% các người bệnh.  
  • Đau vùng hạ vị khi khối u đã lan tràn hoặc xâm lấn vào các bộ phận khác trong hố chậu. Tình trạng này thường xuất hiện muộn và khoảng 20,4% người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng. 
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân 
  • Bị đau và khó đi vệ sinh, thậm chí, nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng bí tiểu, tiểu buốt, nước tiểu màu đỏ (có máu),… 

Những yếu tố nguy cơ khiến bạn có khả năng mắc bệnh 

  • Tuổi tác khoảng từ 50 – 70 tuổi, đang trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Nhất là những phụ nữ mãn kinh muộn (sau 55 tuổi). 
  • Đã từng mắc các bệnh liên quan từ trước như tăng sản nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại tràng,…  
  • Béo phì  
  • Phụ nữ chưa từng sinh nở hoặc sinh ít con. 
  • Sử dụng thuốc bổ sung estrogen đơn thuần, trong thời gian dài có thể làm mất cân bằng nội tiết tố và dẫn đến những hậu quả không mong muốn. 
  • Cơ thể mắc phải một số bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường,… 
  • Di truyền: nếu bạn có người thân hoặc họ hàng từng mắc những căn bệnh liên quan đến tử cung, thì khả năng mắc bệnh của bạn sẽ có tỷ lệ cao hơn người bình thường. 

Các biện pháp ngăn ngừa các loại ung thư thường gặp ở nữ giới 

  • Tiêm vacxin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung 
  • Kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ nhất là với những trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao sẽ giúp bạn phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường. 
  • Kiên trì điều trị bệnh: tuân thủ nghiêm túc những lời dặn dò của bác sĩ, cũng như kiên trì với việc điều trị, tránh bỏ dở giữa chừng vì điều này có thể khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc dẫn đến những bệnh lý khác bao gồm bệnh ung thư nội mạc tử cung. Nếu bạn đã có tiền sử mắc các bệnh liên quan từ trước, hãy thường xuyên chú ý đến các dấu hiệu trên cơ thể mình mình và đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (tối thiểu 6 tháng/lần) hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để chắc chắn bệnh đã khỏi hoàn toàn. 
  • Theo dõi cân nặng: chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế các chất béo từ những món ăn nhiều dầu mỡ như các món chiên xào, bổ sung chất xơ và vitamin từ các loại rau xanh, trái cây tươi. Đồng thời tránh dùng các chất kích thích (như thuốc lá, shisha,…) và các loại thức uống chứa cồn. 
  • Chăm chỉ vận động cơ thể, tập thể dục thể thao giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả, tăng cường sự dẻo dai của các cơ bắp và nâng cao sức đề kháng của bạn ngay từ bên trong, giúp phòng ngừa bệnh một cách tốt nhất.